Do các chính sách Hệ thống trồng trọt (Cultuurstelsel ) thõa thuận giữa người Hà Lan và các nhà lãnh đạo bộ lạc nơi họ xâm chiếm, người dân địa phương đã buộc phải ngừng trồng lúa, cây ăn trái, rau quả – những thứ họ cần để duy trì cuộc sống mà thay vào đó, chuyển đất sang sản xuất cà phê. Chính sách này đã mang lại cho Hà Lan và các đồng minh Indonesia tài sản khổng lồ thông qua xuất khẩu, nhưng đồng thời mở ra một nạn đói khủng khiếp, gây ra nhiều cái chết, buộc người Hà Lan phải đã từ bỏ chính sách này và cho phép người dân địa phương trồng cây lương thực cùng với cà phê. Điều này được ghi nhận trong rất nhiều tài liệu lịch sử, mà điển hình nhất là tác phẩm Max Havelaar của Multatuli.
“Max Havelaar” hoặc “Các cuộc đấu giá cà phê của Công ty Thương mại Hà Lan”, là cuốn tiểu thuyết được viết bởi một cựu quan chức của cơ quan dân sự Đông Ấn Hà Lan với bút danh Multatuli, xuất bản lần đầu năm 1860, kể về câu chuyện của Max Havelaar, một công chức Hà Lan. Havelaar là một người theo chủ nghĩa lý tưởng trẻ, muốn chấm dứt sự ngược đãi và áp bức đối với người Java bản địa do buôn bán cà phê & tham nhũng gây ra. Cuốn tiểu thuyết đã gây tranh cãi khi nó được xuất bản lần đầu tiên ở Hà Lan, vì sự lột trần đối với các công ty cà phê lúc bấy giờ, nhưng đạt được sự ủng hộ rất lớn, trong thế kỷ XX nó đã được dịch sang 34 thứ tiếng.
Để công nhận sức ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết này trong xã hội Hà Lan, cũng như xác định vai trò mà quốc gia của họ đã đóng góp trong lịch sử cà phê, cái tên Max Havelaar đã được phong trào Fair trade sử dụng như một biểu trưng cho mục tiêu của họ. Vào những năm 1980, khi giá cà phê đã giảm mạnh, một nhóm các tổ chức xã hội và giáo hội Hà Lan đã cùng nhau thành lập Quỹ Max Havelaar vào năm 1988 để thúc đẩy buôn bán và sản xuất các sản phẩm cà phê được chứng nhận là thương mại bình đẳng.
Fairtrade có thể được coi là một dự án thí điểm khổng lồ, thử nghiệm làm thế nào toàn bộ chuỗi cung ứng có thể tìm cách quản lý biến động giá hiệu quả hơn. Nhãn dán FAIRTRADE (như một phần của phong trào Fair trade nói chung) phát sinh từ cuộc khủng hoảng kinh tế và con người của sự sụp đổ giá cà phê năm 1985 – Carol Robertson
Phong trào bình đẳng của cây cà phê
Người Hà Lan không đơn độc. Fair trade đã mở đầu cho sự phát triển của các phong trào khác nhau nhằm cải thiện tiêu chuẩn lao động và môi trường ở các quốc gia đang phát triển. Trong nhiều thế kỷ, người trồng cà phê là nạn nhân của thị trường giá cả đầy biến động. Một phần của vấn đề này là sự thiếu minh bạch, đối với nông dân và cả người tiêu dùng. Bởi vì phần lớn cà phê được trồng trên các đồn điền ở các nước xa xôi (ví như Châu Phi hoặc Nam Mỹ) nên ngay cả người tiêu dùng có ý thức xã hội nhất cũng khó có thể mua trực tiếp từ người trồng – không giống như cách chúng ta mua rau quả trực tiếp từ nơi trồng.
Người trồng, dù ở Châu Phi hay Nam Mỹ, giao dịch với một nhà môi giới – người kiếm lợi nhuận bằng cách sắp xếp để bán nhân cà phê ấy cho người xuất khẩu. Nhà xuất khẩu trả tiền cho người trồng và sau đó bán cà phê cho một nhà nhập khẩu, đồng thời thêm biên lợi nhuận của anh ta vào nhân cà phê ấy,.. Nhà rang xay bán cà phê cho một nhà bán buôn, hoặc cho một chủ cửa hàng cà phê, sau đó họ sẽ tăng giá một lần nữa để trang trải tiền thuê nhà xưởng, thuế và chi phí lao động khác. Nói tóm lại, đó là một chặng đường dài từ cây đến cốc với nhiều cơ hội lạm dụng giá cả và sự bất bình đẳng liên tục được bồi đắp.
Khi thế kỷ XX kết thúc, nhiều phong trào thu hút sự chú ý đến tính mất cân đối trong kinh tế của thương mại cà phê đã có tiếng nói lớn hơn trong cuộc tranh luận. Nhưng đây không phải là một phát kiến mới. Trong nhiều thập kỷ, đã có nhiều nỗ lực được được thực hiện để nâng cao nhận thức người tiêu dùng đối với chi phí thực sự của cà phê sáng giá rẻ của họ và hoàn cảnh của người trồng – Carol Robertson
Trước tiên, lấy lại sự công bằng về giá
Nguyên tắc thương mại bình đẳng áp dụng cho một số mặt hàng, nhưng đặc biệt là cà phê – đây là mặt hàng được giao dịch nhiều nhất sau dầu hỏa. Và mặc dù sự bất bình đẳng đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, nhưng các năm 1980 đến 1990 là thời kỳ tăm tối nhất của giá cà phê khi hệ thống hạn ngạch của ICO sụp đổ, chi phí trả về cho người trồng nằm ở mức đáy. Đầu những năm 2000, sự suy thoái giá cà phê thế giới đã gây ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng cho người trồng. Tại Việt Nam, lúc này đang là nước sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới, sau Brazil và Colombia , giá cà phê xanh chỉ bù lại cho người trồng chưa đến 60% chi phí sản xuất.
Một trong những nguyên tắc đầu tiên và quan trọng nhất của phong trào Fair trade trong thương mại là đảm bảo lợi nhuận trong trong sản xuất cà phê của thông qua một mức giá tối thiểu cho nông dân (cho cà phê của họ) bất kể giá thị trường hiện là bao nhiêu. Thêm vào đó, các nhóm Fair trade sẽ làm việc với các hợp tác xã của các nông dân nhỏ, và đảm bảo một khoản tín dụng lên tới 60% giá cả trước khi họ thực sự giao cà phê để cho phép họ đầu tư vào sản xuất.
Kể từ năm 2016, các hợp tác xã được chứng nhận Fairtrade có thể được đảm bảo giá tối thiểu 1,40 đô la Mỹ / pound cho cà phê Arabica theo các điều khoản của Fairtrade (thêm 30 xu nếu là hữu cơ). Họ cũng nhận được thêm 20 xu mỗi pound Fairtrade Premium để tái đầu tư, với 5 xu dành riêng cho đầu tư năng suất và chất lượng – Shawn Steiman
Ngày nay, một số tổ chức phi lợi nhuận giám sát việc chứng nhận và dán nhãn cho cà phê, cấp phép sử dụng nhãn hiệu của Fair trade tại mỗi thị trường chính. Tổ chức lâu đời nhất và được biết đến nhiều nhất là Max Havelaar Foundation. Logo FAIR TRADE trên các sản phẩm được chứng nhận Fair trade biểu thị một mức giá tối thiểu được đảm bảo cho người trồng cà phê, dùy trì một mối quan hệ thương mại dài hạn, điều kiện làm việc được đảm bảo và bảo vệ môi trường.
Tiếp đến, xây dựng tính bền vững
Một vấn đề khác cũng thu hút sự chú ý vào cuối thể kỷ 20 là sự tàn phá của những khu rừng mưa rộng lớn và suy thoái môi trường do các đồn điền cà phê lớn gây ra. Nửa sau của thế kỷ đã chứng kiến sự thay đổi trong cách thức trồng và sản xuất cà phê, do sự gia tăng nhanh chóng trong sản xuất cà phê và sự gia tăng nhu cầu của người tiêu dùng đối với cà phê đặc sản. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng này, ngành công nghiệp cà phê đã chuyển từ sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất cà phê nhỏ sang trồng công nghiệp trên các đồn điền lớn hơn.
Theo truyền thống, cà phê đã được trồng dưới tán cây che bóng trong hàng thế kỷ, cho đến khi yêu cầu năng xuất thúc đẩy những thay đổi trong canh tác. Nông dân trồng cà phê đã chuyển đổi từ bóng râm sang phơi sáng, chặt cây che bóng để trồng cà phê ngoài trời. Các giống cà phê phát triển mạnh dưới ánh mặt trời cũng bắt đầu thay thế cà phê truyền thống.
Cà phê được trồng phơi sáng dưới ánh mặt trời được quảng bá vì hai lý do. Một là nhu cầu về cà phê tăng lên đã tạo ra động lực để thúc đẩy sản xuất tăng mạnh sau đó. Nhiều cây hơn được trồng phơi sáng trực tiếp trên một diện tích trồng giúp tăng gấp ba lần năng suất so với cây được trồng trong bóng râm. Ngoài ra, một lý do khác được tin tưởng vào thời điểm này, là để ngăn chặn sự lây lan của Hemileia vastatrix – nấm gỉ sắt cà phê đang phá hủy các đồn điền cà phê truyền thống. Và cũng chính sự ám ảnh của nông dân đối với bệnh rỉ sét cà phê cũng dẫn đến việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón trên các đồn điền cà phê ngày càng tăng.
Nhu cầu này đã thúc đẩy rất nhiều phong trào chứng nhận cà phê khác nổi lên như canh tác dưới bóng râm (Shade-grown coffee), thân thiên với chim (Bird-friendly coffee), và Fair trade cũng có giá trị tương ứng. Như một lợi ích bổ sung, nhiều người sành cà phê cho rằng cà phê hữu cơ trồng dưới bóng râm có tiềm năng hương vị tốt hơn cà phê được sản xuất hàng loạt. Thực tế là là cà phê được trồng bằng các phương pháp truyền thống này mất nhiều thời gian hơn để trưởng thành và một hạt cà phê chín từ từ sẽ tích lũy được nhiều hương vị hơn.
Tìm kiếm công bằng bên ngoài Fair trade
Trong những năm gần đây, các tổ chức Fair trade đã bị chỉ trích tương đương với niềm tin về những lợi ích mà họ mang lại. Bởi vì họ đã tham gia vào mối quan hệ với các nhà bán lẻ cà phê lớn, như Starbucks và Dunkin ‘Donuts, cấp phép quyền sử dụng nhãn “Fair Trade Certified” trên cà phê được bán trong các cửa hàng của những thương hiệu này. Điều này làm dấy lên lo ngại, rằng họ sử dụng Fair trade như một vỏ bọc để nâng cao hình ảnh cộng đồng nhằm thu hút sự chú ý khỏi những lạm dụng thực sự trong thương mại cà phê. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đối lập cũng khen ngợi các công ty tương tự về các bước đi họ đang thực hiện.
Có vẻ không hợp lý khi hy vọng các tổ chức đa quốc gia lớn sẽ chuyển đổi nguồn cung ứng của mình sang các sản phẩm được chứng nhận thương mại bình đẳng. Và có một số lo ngại về việc liệu thị trường Fair trade có thể trở nên đủ lớn để đạt được sự cải thiện thực sự về tiêu chuẩn ở các quốc gia đang phát triển hay không. Tuy nhiên, doanh số bán cà phê được chứng nhận Fair trade đã tăng đáng kể ở trong vài năm qua.
Đối đầu với hoài nghi
Một số công ty lớn đã thực hiện một cách tiếp cận khác, làm việc với các tổ chức FLO (Labeling Organizations International) khác ngoài Fair trade để có được chứng nhận cho các hoạt động bền vững. Một trong số đó là tập đoàn Sara Lee, với chứng nhận Utz cho một số sản phẩm của Douwe Egberts. Trong khi đó Kraft Foods, cùng với Lyons của Vương quốc Anh và Lavazza – nhà sản xuất cà phê lớn nhất của Ý, đã thiết lập mối quan hệ với Rainforest Alliance, một tổ chức chứng nhận bền vững được thành lập vào cuối những năm 1980 với mục tiêu ngăn chặn sự tàn phá của rừng mưa nhiệt đới.
Cách thức chính mà các tổ chức này được phân biệt với các tổ chức Fair trade là giá cả mà họ trả cho cà phê. Chứng nhận Fair trade đảm bảo mức giá tối thiểu cho người trồng, thường cao hơn giá thị trường vì nó dựa trên biên lợi nhuận hợp lý cho người trồng để tái đầu tư vào các đồn điền của họ chứ không phải sự biến động mơ hồ của giá cả. Các nhà phê bình của phong trào Fair trade cho rằng việc đảm bảo giá tối thiểu theo Fair trade chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề suy thoái giá cà phê. Nó thu hút người trồng vào thị trường bởi một mức giá cao giả tạo, từ đó dẫn đến nguồn cung cà phê dư thừa.
Trong khi đó, Các tổ chức như Rainforest Aliance thì không đảm bảo cung cấp mức giá tối thiểu – Và hiển nhiên, một số người sẽ lập luận rằng; Giá cả, thay vì tính bền vững về sinh kế và môi trường, là lý do thực sự tại sao các công ty lớn sẵn sàng làm việc với tổ chức này hơn là các nhóm Fair trade – cà phê Rainforest Alliance rẻ hơn cà phê được chứng nhận thương mại bình đẳng.
Dù lập luận, ủng hộ hay phản đối, tuy nhiên, chắc chắn rằng miễn là người tiêu dùng yêu cầu cà phê Fair trade, các nhà sản xuất sẽ tìm cách cung cấp nó, trong khi vẫn kiếm được lợi nhuận từ các sản phẩm của họ.