Thưởng thức hương vị cà phê nguyên bản
Cập nhật lúc: 17:39 17/03/2017
Là thức uống có “ma lực” khá đặc biệt, cà phê dường như đã đi vào mọi ngõ ngách đời sống của người dân trên khắp thế giới, trở thành nét văn hóa độc đáo trong ẩm thực, giao tiếp… Đa dạng phong cách thưởng thức cà phê
Từ cách trồng cho tới cách chế biến đa dạng, phục vụ cho nhiều đối tượng thưởng thức khác nhau đã tạo nên nét đặc trưng gắn với văn hóa trong cách pha chế cà phê của từng nước trên thế giới.
Với vị ngọt đặc biệt và hương thơm hấp dẫn của cà phê mới xay, Espresso là loại thức uống góp phần đưa văn hóa ẩm thực nước Ý đến với thế giới. Xuất hiện từ năm 1930, đến nay có ít nhất 10 loại cà phê bắt nguồn từ tên gọi Espresso được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở Buôn Ma Thuột, phong cách này tuy mới biết đến chỉ vài năm trở lại đây nhưng đang được giới trẻ khá ưa chuộng. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển An Thái, một trong những người thâm niên trong ngành cà phê cho hay, để có một ly Espresso chính hiệu, những hạt cà phê được rang lên, xay nhuyễn, sau đó người ta cho vào máy nén dưới áp suất cao và nhiệt độ sôi. Điểm thu hút của những ly cà phê theo phong cách Ý là cách tạo hình rất đẹp. Tùy theo cách thức pha chế lẫn tỷ lệ giữa cà phê và sữa, người Ý có nhiều cách gọi khác nhau đối với Espresso như: Macchiato, Latte, Cappuccino, Mocha…
Một trong những hình thức pha chế cà phê theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ khá độc đáo cũng đã xuất hiện ở các quán cà phê trên TP. Buôn Ma Thuột, đó là cà phê cát nóng. Theo cách thưởng thức cà phê này, người pha chuẩn bị một chảo cát trắng và mịn, được đun nóng lên đến gần 2.0000C, trên cát để sẵn một loại ấm mỏng hình chóp chứa hỗn hợp nước và cà phê được xay mịn. Sau khi những ấm hình chóp nấu sôi đều trên cát nóng, cà phê được đổ vào ly, thêm đường, sữa, đá tùy khẩu vị và dùng ngay. Vị của những ly cà phê này khá nhẹ, tạo cảm giác mới lạ khi thưởng thức... Là người cũng đam mê với pha chế cà phê, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ Quán Thai Cafe, đường Chu Văn An đã dày công tìm hiểu các kiểu pha chế, cách thưởng thức cà phê trên thế giới mang về Buôn Ma Thuột. Ngoài pha chế theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, quán của ông còn thêm kiểu pha syphon (Pháp), drip (Mỹ). Ông chia sẻ, uống cà phê không chỉ là thưởng thức hương vị của nó mà còn là sự cảm nhận về nét văn hóa gắn liền với từng phong cách pha chế khác nhau trên thế giới. Bên ly cà phê, con người dường như trở nên gần gũi nhau, thân thiện hơn, không loại thức uống nào lại mang tính xã hội cao như cà phê...
Độc đáo cà phê phin
Không giống như kiểu thưởng thức nhanh vội như Espresso hay Americano, sự chờ đợi, nhâm nhi khi nước sôi ngấm sâu vào bột để giọt cà phê nhỏ ra được tròn hương và vị, đã tạo nên nét độc đáo, khác biệt, giá trị nghệ thuật của phong cách thưởng thức cà phê phin của người Việt. Anh Nguyễn Hoàng Phương, một thực khách khá trung thành với quán cà phê Bâng Khuâng ở đường Phan Bội Châu chia sẻ, đã thử nghiệm nhiều phong cách cà phê khác nhau trên thế giới để cảm nhận sự khác biệt nhưng hương vị cà phê phin vẫn lôi cuốn nhất. Hơn nữa, thời gian chờ đợi cũng là thời gian con người có thể cảm nhận được mọi âm thanh cuộc sống và chiêm nghiệm những gì đã qua.
Theo ông Nguyễn Xuân Lợi, mặc dù là một loại biến thể, được người Pháp sáng tạo dựa trên các dụng cụ pha cà phê trên thế giới để phù hợp với điều kiện và quá trình sử dụng của người Việt nhưng sự vận dụng thiết kế của cách pha Espresso với độ nén, hiệu suất chiết xuất vừa phải, lấy hương vị nhẹ nhàng ban đầu đã tạo nên nét khác biệt của cà phê phin mà không phải cách pha chế nào trên thế giới cũng có thể có được. Hành trình của phin cà phê Việt cũng khá thú vị, những chiếc phin cà phê làm bằng gốm ra đời bên cạnh phin cà phê làm bằng nhôm, hay inox cho thấy văn hóa truyền thống được hòa quyện vào văn hóa cà phê để cùng thăng hoa.
Lê Hương