Cà phê phin Việt Nam: Một trong mười cách uống độc đáo thế giới

Cập nhật lúc: 13:58 07/03/2017

Blogger Stephanie Hua, một cây bút uy tín của trang web ẩm thực nổi tiếng Lick my spoon thừa nhận cà phê phin của Việt Nam là thức uống tuyệt vời mà cô muốn giới thiệu đến bạn bè và người thân khi trở về quê nhà.

Cà phê hòa tan có thể là lựa chọn của nhiều người bởi sự tiện lợi và tiết kiệm của nó. Thế nhưng, đối với những người yêu cà phê, không có gói cà phê hòa tan nào hiện nay trên thị trường có thể thay thế được chất lượng hương vị cà phê được chiết xuất bằng phương thức pha phin mà người dân Việt Nam đã uống gần cả thế kỉ nay. Bí mật nào đằng sau chất lượng và hương vị khác nhau một trời một vực giữa cà phê pha phin và cà phê hòa tan?

Vị ngon sánh đậm của một tách cà phê phin truyền thống

Sự cuốn hút của cà phê phin không chỉ thỏa mãn nhu cầu của người trong nước mà đối với nhiều quốc gia trên thế giới, cà phê phin Việt Nam được đánh giá vào hàng ‘thượng phẩm’ với hương vị, chất lượng khiến nhiều người “dễ ghiền” sau một lần uống thử. Blogger Stephanie Hua, cây bút của trang web ẩm thực nổi tiếng Lick my spoon thừa nhận khi đến Việt Nam và thử qua ly cà phê phin đặc trưng: “Hương vị của thiên đường”, thức uống tuyệt vời mà cô muốn giới thiệu đến bạn bè và người thân khi trở về quê nhà.

Khi thưởng thức cà phê sữa pha phin Việt Nam, biên tập viên Francis Lam của tạp chí Salon mô tả: “Bạn nhấp một ngụm và cái ngọt thấm vào trước. Rồi miệng bạn hơi khô đi một chút, như thủy triều rút đi, và cà phê để lại vị đắng dịu dàng. Bạn nhấp ngụm thứ hai và đột nhiên mọi thứ trên đời này đều ổn cả”.

Theo anh Trúc Nguyễn, một người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu cà phê Việt Nam, sự cách biệt lớn nhất giữa cà phê hòa tan và cà phê phin chính là ở hương vị: “Khi những hạt cà phê tươi mới nhất được rang xay, để giữ được độ thơm trọn vẹn thông thường chúng ta chỉ rang đến nâu hóa hạt cà phê chứ không rang đến khét.

 

“Một trong những bí quyết để pha ly cà phê phin ngon đúng nghĩa là nước không được nguội, nhưng cũng không quá nóng sôi”. Độ nóng chuẩn là khoảng 80-90 độ C khi pha thì mới đủ độ ngấm và chắt lọc ra hết chất cà phê tinh túy nhất.
“Một trong những bí quyết để pha ly cà phê phin ngon đúng nghĩa là nước không được nguội, nhưng cũng không quá nóng sôi”. Độ nóng chuẩn là khoảng 80-90 độ C khi pha thì mới đủ độ ngấm và chắt lọc ra hết chất cà phê tinh túy nhất.

Anh Trúc cho biết thêm, một yếu tố rất quan trọng để tạo ra một vị cà phê hoàn hảo chính ở khâu nhiệt độ trong quá trình trích ly. Đây là một điểm trọng yếu quyết định độ ngon của ly cà phê, từ lúc rang đến lúc pha. Những ai đã nghiện cái cách pha phin như một nghi thức, thì việc tráng phin với nước nóng ấm, dùng nước không quá nóng, cũng không được quá nguội, độ nóng chuẩn là khoảng 80-90 độ C khi pha thì mới đủ độ ngấm và chắt lọc ra hết chất cà phê tinh túy nhất.

Khi nào khoảng cách về hương vị được công nghệ lắp đầy?

Theo Báo cáo Cà phê toàn cầu (GCR), thị trường cà phê hòa tan tăng trưởng với tỷ lệ ấn tượng 7-10% mỗi năm trong 10 năm qua. Riêng tại các nền kinh tế mới nổi, con số này lên đến 15-20%. Nhiều khảo sát cho thấy người tiêu dùng tại các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga rất chuộng cà phê hòa tan. Chuyên gia Vivek Verma, giám đốc cà phê, sữa và các dịch vụ tài chính của hãng Olam khẳng định sự tiện lợi của cà phê hòa tan dần áp đảo thị trường, đem lại những thành công đột phá ở châu Á.

Dựa trên hành vi tiêu dùng của đại đa số người phương Đông, các chuyên gia nhận định họ có thói quen lựa chọn sản phẩm tiện lợi và tiết kiệm. Để cung ứng nhu cầu sử dụng cà phê, đặc biệt đối với người có thói quen uống cà phê phin và nghiện hương vị của nó, các nhà sản xuất đã cố gắng đổi mới công nghệ để đáp ứng nhu cầu, nhưng đến nay tại Việt Nam vẫn chưa có công nghệ hòa tan nào đáp ứng được chất lượng như mong muốn.
“Liệu công nghệ có thể lắp đầy nỗi thèm khát?” – một chuyên gia cà phê tại Việt Nam cho biết: “các loại cà phê hòa tan thông thường là kết quả của quá trình trích ly liên tục ở nhiệt độ cao (mỗi lần kéo dài khoảng 39 đến 43 phút), với nhiệt độ đầu vào là 175 độ C và giảm giần khoảng 120 -150 độ C ở nhiệt độ đầu ra. Nguồn nước quá nóng sôi khi đi qua bột cà phê không chỉ chiết xuất hương vị cà phê mà còn kéo theo các chất khác không mong muốn được tạo ra ở nhiệt độ cao, khiến vị cà phê biến đổi.”

 

Tưng tự, nhiệt độ cũng chính là điểm trọng yếu quyết định chất lượng mùi vị cà phê trong quá trình trích ly công nghiệp của cà phê hòa tan. Tuy nhiên cách sản xuất cà phê hòa tan thông thường của các thương hiệu ở Việt Nam hiện nay với sự chênh lệch nhiệt độ gần gấp đôi so với cách pha phin truyền thống chính là chìa khóa bí mật giải thích cho việc chất lượng cà phê hòa tan không thể ngon như pha phin. Chưa kể, chưa có giải pháp công nghệ đột phá nào để cà phê hòa tan có vị như cà phin .

Cà phê phin ở Việt Nam được xếp vào một trong mười cách uống độc đáo trên thế giới, khiến nhiều người tha phương phải trở lại quê nhà để thưởng thức, để nghe mùi quê hương xứ sở trong hơi nóng bốc lên, nhận thấy vị đắng nhớ lâu mang nỗi nhớ chạm đến đầu lưỡi và trôi sâu vào vòm họng. Chính vì thế, việc cải tiến công nghệ để cà phê hòa tan có thể đuổi kịp chất lượng và hương vị của cà phê phin vẫn là bài toán đè nặng lên những chuyên gia cà phê trong nước trong việc gìn giữ và phát triển hương vị cà phê đặc trưng của Việt Nam: “Khi giải quyết được mâu thuẫn này thì cà phê hòa tan Việt Nam sẽ là cuộc cách mạng vượt ngưỡng các thức uống khác trên thế giới”, vị chuyên gia kết luận.

Anh Thư

dantri.com.vn