'Cà phê pha phin là nét văn hóa độc đáo ở Việt Nam'
Cập nhật lúc: 13:54 07/03/2017
Theo ông Didier Corlou (người Pháp), cựu bếp trưởng khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, khi pha phin, mùi cà phê nồng nàn quyến rũ rất đặc trưng mà không tìm thấy ở bất cứ đâu trên thế giới.
- Ông Corlou có thể cho tôi biết dưới cái nhìn của một người nước ngoài, văn hóa cà phê của Việt Nam đặc sắc như thế nào so với các nước khác trên thế giới? (Phan Tân, 44 tuổi, Đà Nẵng)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Chào bạn,
Cám ơn bạn về câu hỏi thú vị này. Hương vị cà phê Việt Nam chính là điều đặc sắc khiến cà phê Việt Nam khác với các nước trên thế giới, đặc biệt khi bạn pha phin, mùi cà phê cũng nồng nàn quyến rũ giống như mùi nước hoa của người phụ nữ vậy.
Nếu được thưởng thức cà phê phin Việt Nam ở ngay chính thủ phủ cà phê Buôn Mê Thuột thì bạn sẽ thấy được bản sắc văn hóa đặc biệt này được thể hiện một cách rõ ràng nhất. Điều này chỉ có ở Việt Nam mà không có ở một quốc gia nào khác trên thế giới.
- Chào anh Lê Hoàng, tôi nghĩ là cà phê phin thì cũng có nhiều cách uống và nhiều cách thưởng thức, đâu nhất thiết phải uống trong không gian trầm mặc như anh có nói và đâu phải chỉ có cà phê hòa tan mới có thể mang theo trong những chuyến đi xa? Nhận định của anh có phải quá phiến diện rồi không? (Nguyễn Thanh Nguyên, TP HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Chào bạn.
Tôi chưa thấy ai để một ly cà phê phin trong hội nghị lúc đang tranh luận, mà rõ ràng chỉ thấy người ta ngồi trầm ngâm một mình và không nói gì là chủ yếu khi ngồi cạnh thứ "mực" này.
Tôi cũng chưa thấy nam hay nữ tuổi teen nào ngồi trước cà phê phin. Tôi cũng đi nước ngoài nhiều lần mà chưa bao giờ thấy ly cà phê đó ở đâu ngoài Việt Nam.
- Chào anh Xoay, theo anh, ngoài vấn đề thời gian, còn lý do nào khác giải thích cho việc giới trẻ đang ngày càng xa với cách uống cà phê phin? (Phương Thảo, 33 tuổi, quận 10, TP HCM)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Tôi nghĩ ngoài vấn đề thời gian thì uống cà phê phin cũng hơi tốn thời gian, nào là nước sôi, nào là cà phê, nào là đường là sữa, nào là chuẩn bị phin pha... Pha cà phê phin cũng tựa như đang "tán tỉnh" một cô gái cầu kỳ và hơi "phức tạp" một chút, nên nếu tình yêu ta dành cho "cô ấy" đủ lớn thì những điều phức tạp đó lại trở thành điều đáng yêu. Nên nếu giới trẻ ngày này đang dần xa rời cà phê phin cũng có thể còn do tình yêu các bạn ấy dành cho cà phê phin cũng chưa đủ lớn để thấy thích thú những thứ phức tạp xung quanh nó.
- Chào anh Quốc Trung. Nhìn anh tôi lại nghĩ đến cà phê phin, không hiểu tại sao. Phải chăng trông anh cũ kỹ quá, anh có thấy vậy không? Tôi thấy anh ngủ đông dài quá, đợi mãi không thấy anh có sáng tác mới. (Thái Minh Ngọc, 46 tuổi, Hà Nội)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Chào anh! Anh bắt đầu nhìn tôi từ lúc nào mà thấy tôi cũ vậy? 50 đã gọi là cũ chưa? Tôi vẫn làm việc rất nhiều nhưng là những công việc về sản xuất nên không có thời gian sáng tác, nhất là những bài hát, chắc vì vậy nên chưa làm anh và một số khán giả thích nghe ca khúc của tôi hài lòng. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng có thêm những bài hát mới để bớt "cũ".
- Chào anh Quốc Trung. Anh thích cà phê phin hay cà phê hòa tan? (Lê Thị Hòa, quận 2, TP HCM)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Tất nhiên là tôi thích cà phê phin vì những kỷ niệm được đi uống với bố mẹ. Từ đó, hình ảnh cà phê phin gắn liền với những ký ức tuổi thơ, tuổi trẻ của Hà Nội. Trước đây, nó gần như là cách duy nhất nói về cà phê của người Hà Nội.
- Chào anh Trung, cà phê có mang lại cảm xúc cho anh sáng tác không, có ca khúc nào anh sáng tác khi uống cà phê không? (Thu Hồng, 31 tuổi, Long An)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Tôi thường làm việc rất khuya nên có thể nói không thể thiếu cà phê, nhất là trong lúc làm việc. Một ngày tôi uống từ 4 đến 6 cốc, có những hôm cốc cà phê cuối cùng trong ngày vào lúc 3h sáng. Vì vậy, đa số công việc và những sáng tác đều có hương vị cà phê.
Nhạc sĩ Quốc Trung. |
- Chào anh Hoàng. Chỉ là cách uống cà phê thôi, mỗi người mỗi cách uống, tùy hoàn cảnh và khả năng, có quan trọng hóa vấn đề không khi cho rằng cà phê hòa tan liệu làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam hòa tan, mất đi sự khác biệt? (Lộc Vũ, 37 tuổi, TP HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Chào bạn.
Bạn nói đúng. Tôi chưa thấy một dân tộc nào nổi tiếng về cách uống một thứ nước nào đấy. Cho nên, chúng ta đừng phong cho cà phê hòa tan những nhiệm vụ vĩ đại quá. Nếu Việt Nam cần sự khác biệt thì cần phải tìm trong những thứ to lớn hơn cách uống cà phê rất nhiều.
Tuy nhiên, có một thực tế rõ ràng là hiện nay chúng ta đang sống quá chậm so với thế giới trong rất nhiều lĩnh vực. Cà phê hòa tan có "tốc độ" nhanh hơn. Một hình ảnh quen thuộc cả thế giới thường nhìn thấy là mỗi sáng, những nhân viên văn phòng đi vội vã trên đường phố, tay thì đọc báo, tay thì cầm ly cà phê hòa tan chứ không ai cầm ly cà phê phin.
- Chào anh Lê Hoàng. Ly cà phê có làm thể hiện bạn là doanh nhân thành đạt hay người mới khởi nghiệp không? (Mr Ha, 31 tuổi, quận 2, TP HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Chào bạn.
Ly cà phê hay bất cứ ly gì cũng chẳng thể hiện bạn là ai.
- Thưa "Giáo sư Xoay", đâu là sự khác biệt giữa một tách cà phê pha phin giữa miền Bắc và miền Nam? Giáo sư thích thưởng thức cà phê miền nào hơn? Tại sao? (Nguyen Hung, 33 tuổi, TP HCM)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Có lẽ do thời tiết nóng nên người miền Nam thường uống cà phê với rất nhiều đá, còn ngoài Bắc thì lại có những tháng trời lạnh, ngồi uống một ly cà phê nóng cũng rất thú vị. Mỗi người sẽ có một thói quen thưởng thức cà phê khác nhau, với riêng tôi thì ở miền nào tôi sẽ uống cà phê theo cách của miền đó. Cà phê cũng là một trong những "đặc sản" của mỗi miền, nên tội gì mà không thưởng thức nó theo đúng cách nó có chứ.
Giáo sư Xoay. |
- Anh Quốc Trung ơi, anh là một nhạc sĩ nhưng em thấy anh cũng tham gia khá nhiều show, vậy thì với quỹ thời gian bận rộn của mình, anh thường chọn cà phê phin hay cà phê hòa tan? Anh thích loại cà phê nào? (Hoàng Thị Kim Phượng, TP HCM)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Tôi thường chọn cà phê phin vào buổi sáng và khi làm việc ở nhà. Ngay khi đi ra ngoài, tôi thường mang theo một bình cà phê được giữ nóng để có thể thưởng thức cà phê một cách đúng nghĩa.
Nhà văn Trang Hạ chia sẻ về văn hóa cà phê
- Chào anh Lê Hoàng, em 32 tuổi chắc cũng không phải là tuổi teen. Nhưng trước đến nay, khi thưởng thức cà phê, em vẫn thích cà phê pha phin. Vì nó có vị đặc trưng từ mùi thơm tới vị đậm, đắng khi ở trong miệng? Điều mà cà phê hiện đại như cách anh nói chưa có? Vậy anh Hoàng thường uống cà phê theo phong cách nào để cảm nhận được hương vị đặc biệt của cà phê Việt? (Đỗ Tiến Thuần, 32 tuổi, TP HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Chào bạn.
Tôi uống loại cà phê nào còn tùy theo đối tượng mà mình đang nói chuyện. Thường thì tôi hay nói chuyện nhiều nhất với các cô gái teen. Nếu lúc ấy mà uống cà phê phin thì có vẻ già dặn lắm. Tôi không muốn vẻ đẹp trai của mình bị giảm đi vì một ly cà phê như thế
Đạo diễn Lê Hoàng |
- Chào anh Quốc Trung. Cà phê phin thật ra không có một vị chuẩn vì cách pha, cách thưởng thức của mỗi người khác nhau. Vậy có nên nói cà phê phin là bản sắc của người Việt không? (Sơn Dương, 50 tuổi, Hà Nội - Việt Nam)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Nó cũng giống như âm nhạc. Nếu dùng những nhạc cụ của phương Tây thì không có nghĩa không có bản sắc của Việt Nam ở trong đó? Ngay cả cà phê cũng không xuất xứ từ Việt Nam nhưng tôi nghĩ chúng ta đã có một cách uống, một cách thưởng thức khác biệt xuất phát từ những thói quen, văn hóa của người Việt. Và mùi thơm, hương vị cà phê phin pha với sữa đặc luôn gợi cho tôi không khí của Hà Nội, nhất là những ngày mùa đông.
- Em xin được hỏi, Việt Nam có thể nói là xứ sở cà phê từ rất lâu, vậy vì sao vấn đề "văn hóa uống cà phê ở Việt Nam" đến tận bây giờ mới được quan tâm? (Phạm Dziễm Trang, 31 tuổi, 787 Lũy Bán Bích, Tân Phú, TP. HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Chào bạn.
Văn hóa sẽ thăng hoa khi cuộc sống của chúng ta rực rỡ. Có rất nhiều thứ trước đây chúng ta chỉ dùng hoặc sử dụng theo nhu cầu thì hôm nay chúng ta mới bắt đầu coi như là văn hóa. Đấy là một điều đáng mừng. Nó chứng tỏ càng ngày, tâm hồn người Việt càng tinh tế.
Cách đây vài chục năm, tất cả những người miền Bắc khi mua nước mắm đều mang chai từ nhà đến và chỉ quan tâm xem nước mắm đó là loại một hay loại 2. Còn hôm nay, nếu nước mắm không được đựng trong bao bì có hình thức tuyệt đẹp thì rất khó tiêu thụ. Rõ ràng nước mắm không thay đổi, nhưng cách nhìn của chúng ta đã khác.
Bếp trưởng Didier Corlou. |
- Anh Quốc Trung cho tôi xin được hỏi anh có nghĩ việc cho rằng giới trẻ “mất gốc” khi uống cà phê hòa tan thay cà phê phin là hơi quá và hơi cực đoan? (Đức Quốc, 32 tuổi, Đống Đa, Hà Nội)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Đây là quan điểm riêng của tôi, vì thế có thể nó là cực đoan nhưng không có nghĩa là mọi người phải làm theo. Lựa chọn cà phê cũng như âm nhạc là quyền thưởng thức của mỗi người nhưng cũng như âm nhạc thì cà phê phải thật sự là cà phê và có hương vị rõ ràng.
- Những yếu tố nào giúp cà phê trở thành yếu tố gây "nghiện" trong phong cách sống và thưởng thức của người Việt? Ngoài là một thức uống thơm ngon, ly cà phê còn mang đến những giá trị nào khác? Xin cảm ơn các chuyên gia! (Cao Anh Hùng, 28 tuổi, Q5)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Chào bạn.
Việc uống cà phê gì đôi lúc không quan trọng. Quan trọng là cách bạn ngồi, địa điểm bạn ngồi và ai đang ngồi cùng bạn. Những điều này mới hình thành nên phong cách. Cho nên có những nhãn hiệu cà phê nổi tiếng đã cho rằng "Chúng tôi không bán nước uống. Chúng tôi bán cách bạn uống". Có thể dùng một câu ngạn ngữ như thế này để bạn dễ hình dung "cho tôi xem bạn uống cà phê ở chỗ nào. Tôi sẽ biết bạn là ai".
- Anh Lê Hoàng, theo như anh nhận định thì anh chỉ uống cà phê hòa tan thôi sao? Cà phê hòa tan thì có nhiều loại trên thị trường, anh có đánh giá hay lựa chọn gì khi chọn cà phê hòa tan để uống? Hay tất cả chúng đều giống nhau, anh uống loại nào cũng được? (Lê Thị Phú, TP HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Cảm ơn câu hỏi của bạn. Tôi uống cà phê nào là do bạn gái tôi chọn. Trong những khung cảnh lãng mạn, cô ấy luôn chọn cà phê hòa tan nhưng có hương vị của cà phê phin.
- Tôi được biết anh Đinh Tiến Dũng là "trùm pha cà phê phin" ngon, vậy anh có thể chia sẻ bí quyết làm cách nào để có được ly cà phê đậm vị? (Yến Yến, Tp.HCM)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Cảm ơn bạn đã ưu ái dành cho tôi "danh hiệu" này. Tôi chỉ dám nhận là "trùm pha cà phê phin" ngon nhất trong gu thưởng thức của bản thân mình thôi. Thi thoảng mới có dịp pha cà phê mời bố hoặc anh trai uống, nhưng cả hai đều không khen cũng không chê nên tôi cũng chưa biết cái gu cà phê của mình có phải là cái gu chung của mọi người không.
Quay trở lại câu hỏi của bạn, tôi cũng có nhiều người bạn mở quán cà phê. Nên khi tôi uống cà phê ở quán nào ngon, tôi hay lân la hỏi cách thức pha để cà phê đậm vị hơn.
Có nhiều cách lắm, nhưng cách tôi thường làm bao gồm hai yếu tố chính:
- Một là phải giữ được nước nóng thật lâu trong quá trình ở trong phin (tôi phải lấy mấy cái khăn cũ để quấn quanh phin pha, nhìn không đẹp lắm, nhưng giữ nóng tốt).
Hai là cà phê trước khi pha cần có một chút thời gian để "nở" ra bằng cách chúng ta rót một ít nước sôi vào phin cà phê (không nhiều đến mức giọt cà phê có thể nhỏ xuống), và để một lúc để những hạt bột cà phê "nở" ra, khi đó thì các chất thơm ngon trong đó cũng dễ hòa vào nước sôi khi ta pha.
Hy vọng cách pha cà phê phin này của tôi cũng phù hợp với gu thưởng thức cà phê của bạn.
Giáo sư Xoay |
- Thưa nhạc sĩ Quốc Trung, theo tôi biết cà phê phin Việt cũng chỉ là một nét sinh hoạt được du nhập từ thời Pháp cách đây cả trăm năm. Như vậy thì việc uống cà phê hòa tan thay thế dần cho cà phê phin có phải cũng chỉ là một sự du nhập ở thời đại mới? (Thu Hiền, 38 tuổi, Gia Lai - Việt Nam)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Thật ra có rất nhiều cách uống cà phê từ các nền văn hóa khác nhau, và cả những phương thức uống cà phê theo thời đại mới hiện nay. Nhưng với tôi cà phê hòa tan là cách uống vừa ít thưởng thức được hương vị và cũng chẳng có phong cách.
- Ông Corlou cho tôi hỏi liệu hương vị cà phê pha phin của Việt Nam có mạnh quá đối với ông? (Phùng Đức Tiến, 43 tuổi, Hà Nội)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Chào Tiến,
Với tôi, hương vị cà phê phin của Việt Nam không hề mạnh. Ngược lại đây chính là vị nguyên bản của cà phê Việt Nam, không lẫn vào đâu được. Chính vì vậy tôi rất bất ngờ khi giới trẻ Việt Nam lại ưa chuộng cà phê hòa tan, trong khi cà phê phin Việt Nam lại rất ngon.
- Chào anh Lê Hoàng. Tôi cho rằng giới trẻ vẫn trân trọng cà phê phin nhưng vì yêu cầu của cuộc sống hiện tại, họ vẫn chấp nhận cà phê hòa tan vì không có sự lựa chọn nào khác. Ông nghĩ sao? (Nguyễn Thảo, 51 tuổi, Quảng Ngãi - Việt Nam)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Tôi nghĩ điều này hoàn toàn không đúng. Tôi chưa thấy một người trẻ nào uống cà phê phin. Tôi chỉ thấy những người già tưởng mình trẻ uống thứ đấy thôi.
Đạo diễn Lê Hoàng |
- Tôi cho rằng giới trẻ vẫn trân trọng cà phê phin nhưng vì yêu cầu của cuộc sống hiện tại, họ vẫn chấp nhận cà phê hòa tan vì không có sự lựa chọn nào khác. Nhạc sĩ Quốc Trung nghĩ gì về điều này? (Như Duy, Quy Nhơn)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Tôi thấy có rất nhiều bạn trẻ có thể ngồi hàng giờ ngoài quán, vì vậy thời gian không phải là yếu tố gây cản trở trong việc thưởng thức nếu bạn thật sự thích cà phê. Còn khi làm việc hay trong văn phòng thì chắc là phải chấp nhận thức uống kiểu công nghiệp đó.
- Chào anh Lê Hoàng. Anh có nghĩ rằng cà phê hòa tan là một sự thay thế tất yếu cho cà phê phin để bắt nhịp với xu hướng phát triển? (An Hà, 56 tuổi, Seattle - Washington)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Tôi nghĩ chắc chắn như vậy. Không những cà phê mà trà cũng đang đi theo con đường hòa tan. Trong tương lai, tôi tin rằng, rau, thịt, bánh mì cũng sẽ hòa tan nốt. Tôi nói câu ấy hoàn toàn không đùa chút nào. Nếu bạn có dịp xem khẩu phần của các phi hành gia trên các phi thuyền thì tất cả tức ăn đều ở trong ống tuyết và được nghiền thành dạng kem, dù đó là rau muống hay cà phê.
- Em rất thích hương vị cà phê, nó giúp em cảm thấy tỉnh táo và sáng khoái, nhưng em dễ bị "say" khi uống cà phê dù chỉ một ly. Làm cách nào để em vừa có thể thưởng thức cà phê mà không lo bị say ạ? (Thùy Nguyễn, 26 tuổi, quận 7, TP HCM)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Rất đơn giản thôi, bạn giảm lượng cà phê xuống trước khi đến ngưỡng "say" là xong. Nếu bạn tự pha thì dễ điều chỉnh rồi, nếu bạn uống ở quán thì bạn gọi nửa ly cà phê thôi. Nếu quán không bán nửa cốc thì bạn rủ thêm một bạn nào đó cũng thích uống cà phê đi cùng để "uống hộ" một nửa.
- Chào đầu bếp Didier Corlou, anh là người nước ngoài tới Việt Nam làm việc và sinh sống, theo anh giữa người nước ngoài (có thể liên hệ đất nước của anh) và người Việt Nam thì cách thức thưởng thức cà phê khác nhau chỗ nào? (Nguyễn Thị Ngọc Liễu, 23 tuổi, 56 Bạch Đằng, TPThủ Dầu Một, Bình Dương)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Chào bạn,
Ở Pháp, người ta pha cà phê bằng phin giấy và pha rất nhanh vì không có thời gian, cho nên vị cà phê không được đậm đà giống như cách người Việt uống cà phê. Đó là cách uống và hương vị rất đặc trưng ở Việt Nam.
Bếp trưởng Didier Corlou. |
- Chào nhạc sĩ Quốc Trung. Theo anh, giới trẻ hiện nay sống vội vã như vậy nhưng đến khi họ bước vào độ tuổi trung niên rồi thì mọi thứ sẽ chậm lại, theo anh họ có tự động quay về với cà phê phin? (Minh Hà, 33 tuổi, Cầu Giấy - Hà Nội)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Tôi đang ở độ tuổi trung niên nhưng cũng luôn vội vã. Để thưởng thức hay đơn giản là một thú vui nào đó thì người ta sẽ chú ý tới chất lượng hơn là số lượng. Và theo tôi một ly cà phê phin cũng không mất nhiều thời gian hơn một cốc cà phê hòa tan. Và với các bạn trẻ, quỹ thời gian luôn nhiều hơn những người trung niên, chẳng qua là họ luôn vội vã chứ không phải thiếu thời gian.
- Chào đạo diễn Lê Hoàng. Chú có cho rằng cà phê phin đại diện cho một hình ảnh rất cổ hủ và không chịu đổi mới của người Việt? (Thái Hòa, 33 tuổi, Sài Gòn)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Cà phê phin không đại diện cho cổ hủ, nó chỉ đại diện cho sự chậm chạp.
- Theo đạo diễn Lê Hoàng, cà phê hòa tan liệu có làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam hòa tan, mất đi sự khác biệt? (Minh Xuân, 31 tuổi, Bảo Lộc)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Tôi nghĩ văn hóa Việt Nam không yếu ớt như thế. Trong kinh doanh hôm nay, có một câu khẩu hiệu mà ai cũng biết, đó là "khác biệt hay là chết" mà văn hóa Việt Nam thì chắc chắn không bao giờ chết. Do vậy, văn hóa Việt Nam có sự khác biệt đủ mạnh để trường tồn với thời gian.
- Xin được hỏi đạo diễn Lê Hoàng, tôi hiểu cà phê hòa tan rất tiện lợi cho giới trẻ. Nhưng nếu nói về gu thưởng thức thì không có. Anh có thể chia sẻ một điểm đặc sắc trong văn hóa thưởng thức cà phê hòa tan? (Kiều Trang, 26 tuổi, Hải Phòng)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Người ta có thể vừa uống cà phê hòa tan, vừa làm một việc khác, thậm chí khi di chuyển với tốc độ cao. Cà phê phin thì không như thế. Trong cuộc sống hôm nay, đôi lúc tốc độ cũng là một thứ văn hóa.
- Chào anh Quốc Trung. Theo anh thì cà phê Việt có điểm nào khác biệt so với cà phê nước ngoài như Cappuchino, Latte...? Anh thích cà phê nào hơn? (Mạnh Cường, Biên Hòa)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Cũng như là thực phẩm, đồ uống của người Việt luôn phải có hương vị rõ ràng và đậm đà. Chính vì vậy cách uống cà phê của người Việt Nam với cách pha phin cà phê đặc sánh cộng với sữa đặc tạo nên một hương vị rất đậm đà, rất riêng. Những người xa Hà Nội ắt hẳn sẽ nhớ mùa đông bên ly cà phê phin pha sữa nồng nàn. Những khu người Việt ở hải ngoại cũng luôn luôn có những ly cà phê phin pha sữa dành cho những người xa quê hương.
Nhạc sĩ Quốc Trung. |
- Theo ông, cách uống cà phê phin chầm chậm thong thả có phản ánh được lối sống của người Việt, chưa đủ nhanh và hợp thời để bắt kịp xu hướng như các nước tiên tiến? (Trường Minh Ngọc, 45 tuổi, Bến Tre)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Bạn vừa hỏi vừa trả lời cho chính câu hỏi của mình rồi đấy.
- Thật sự theo tôi thì ly cà phê phin chỉ ngon nhất lúc mình chưa uống hay chính xác hơn là ngồi ngắm từng giọt cà phê rớt thật chậm, bốc hương thơm lừng, chứ lúc uống vào rồi thì câu chuyện rôm rả là chính nên đôi khi quên mất ly cà phê. Phải chăng tôi sai hay chưa có đúng người thưởng thức cà phê cùng? (Nguyễn Thế Đế, 39 tuổi, TP HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Điều này có thể do bạn chưa có người thưởng thức cùng hoặc người thưởng thức cà phê cùng bạn già quá.
- Xin "Giáo sư Xoay" cho biết về sự khác biệt cơ bản trong cách uống, thưởng thức cà phê của người Việt Nam so với người phương Tây? Và trong mỗi cách uống này, điều gì làm lên sự khác biệt đó? Trân trọng cảm ơn! (Phạm Thạch Anh, 33 tuổi, lầu 2, G1, Khách Sạn Thanh Đa, Phường 27, Bình Thạnh, TP HCM)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Tôi cũng đã có dịp được đi một số nước và đương nhiên là cũng thưởng thức cà phê tại đó. Nhưng tôi thấy đúng là chỉ có ở Việt Nam mình mới có cách pha cà phê bằng phin. Ở các nước khác, họ thường pha cà phê bằng máy, mọi chuyện diễn ra rất nhanh, "ào" một cái là có một ly cà phê nóng hổi. Nhưng chỉ khi pha cà phê bằng phin, việc thưởng thức cà phê không phải bắt đầu khi nâng ly cà phê lên miệng, mà bắt đầu từ khi ta rót nước sôi vào phin và ngồi thưởng thức hương vị cà phê tỏa ra trong lúc từng giọt cà phê chầm chậm rơi.
Có lẽ vì cách pha như vậy nên tôi có cảm giác cà phê ở nước ngoài "nhẹ" hơn cà phê Việt Nam mình rất nhiều. Bằng chứng là có hôm đi công tác nước ngoài, tôi uống đến 4 - 5 ly cà phê mà thấy chẳng "xi nhê" gì, chỉ thấy no bụng.
Giáo sư Xoay. |
- Tôi nghĩ người ta thích uống cà phê phin vì cảm giác ngồi đợi từng giọt rơi, vì không khí, thời tiết, khung cảnh, ký ức… Nói chung, cà phê phin làm tôi nghĩ đến cảm xúc, cà phê hòa tan làm tôi nghĩ đến thực tại, sự vận động vì cơm áo gạo tiền. (Mimosa, 46 tuổi, Đà Lạt)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Tùy bạn thôi. Với tôi, thú thật cà phê phin khiến tôi nghĩ đến những người không có việc làm hoặc đang chờ đợi điều gì đó. Còn cà phê hòa tan dành cho những người đang phải giải quyết một chuyện khẩn cấp hoặc vừa uống vừa nghĩ đến những chuyện cần phải làm ngay.
- Chào đầu bếp Didier Corlou. Anh có từng uống cà phê ở các quán cà phê Việt Nam chưa? Nhìn cách uống cà phê của người Việt Nam anh có nhận xét gì về văn hóa uống cà phê Việt Nam hiện nay? Trong những năm gần đây người Việt bắt đầu tiếp thu về các loại thức uống về cà phê của phương Tây, ví dụ như Italy, Mỹ... Vậy theo anh, anh có nghĩ một ngày nào đó người Việt Nam có thay đổi hoàn toàn về cách uống cà phê giống phương Tây? Nếu có một lời khuyên cho giới trẻ hiện nay về cách sử dụng cà phê, anh sẽ nói như thế nào? Cảm ơn anh rất nhiều. (Bùi Trần Hữu Thành, 27 tuổi, Nguyễn Trãi , TP HCM)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Hình ảnh của những quán cà phê góc đường với những con người nói chuyện rôm rả in sâu trong tâm trí tôi về văn hóa cà phê quán xá của người Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi chỉ thấy đa số người uống cà phê quán xá là nam giới ở độ tuổi trung niên. Có thể với cuộc sống ngày càng nhanh hơn, giới trẻ đã chuyên sang uống cà phê hòa toa rồi chăng?
Tôi không thể trả lời chắc chắn rằng văn hóa cà phê Việt Nam có bị hòa lẫn với cách uống phương Tây hay không nhưng với tôi đây là một nét văn hóa cần phải gìn giữ. Có thể chúng ta sẽ cải thiện công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm nhanh, gọn, nhưng vẫn giữ nguyên hương vị của cà phê truyền thống.
- Chào Dũng, mình rất thích cách dẫn chương trình của Dũng, không thấy bạn xuất hiện trên truyền hình nữa con mình rất tiếc đấy (nó rất thích vai "Giáo sư Xoay" của anh). Hiện Dũng đang làm gì, cà phê thì có ảnh hưởng gì đến khả năng sáng tác của Dũng không? (Hồng Anh, 35 tuổi, Hà Nội)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã yêu thích vai diễn của mình. Hiện nay mình làm Giám đốc Sáng tạo của một công ty làm về truyền hình, nên công việc sáng tác là việc rất thường xuyên.
Mình không dám chắc lắm về tác dụng của cà phê đối với khả năng sáng tác của mình, nhưng chắc chắn khi ngồi viết lách cái gì đó mà có một ly cà phê bên cạnh để nhấm nháp thì sẽ cảm thấy rất dễ chịu, khi dễ chịu thì làm việc gì cũng có vẻ hiệu quả hơn, không riêng gì sáng tác.
- Tôi nghĩ có rất nhiều bạn trẻ thậm chí còn không biết cà phê phin Việt Nam xếp vào top 10 cách uống cà phê độc đáo nhất thế giới, nhưng uống cà phê phin có phải là truyền thống văn hóa của Việt Nam đâu, chỉ là cách uống thôi, vậy có cần thiết phải đẩy văn hóa uống cà phê phin như mọi người đang bàn luận? (Nguyễn Phú, 43 tuổi, Đà Nẵng)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Bạn nói cà phê phin Việt Nam xếp vào top 10 cách uống cà phê độc đáo nhất thế giới, vậy bảng xếp hạng này do ai thực hiện và đánh giá vào lúc nào. Ví dụ như tôi là một đạo diễn điện ảnh cũng không nhớ hết 10 bộ phim hay nhất thế giới, vì mỗi nhà phê bình, mỗi giai đoạn, danh sách này lại được thay đổi liên tục (tất nhiên có thay đổi đến mấy thì phim của Lê Hoàng cũng không vào).
Còn uống cà phê có phải văn hóa không ư? Thú thật rằng, hiện nay có rất nhiều thứ trong cuộc sống được mọi người gọi là văn hóa. Ví dụ như ăn phở xếp hàng hoặc bún mắng cháo chửi ở đâu đó cũng có người bảo đó là nét văn hóa độc đáo. Vì vậy, bảo cách thưởng thức cà phê là văn hóa chắc cũng không sai.
Thưởng thức cà phê của MC Thùy Minh
- Thưa bếp trưởng Didier Corlou, theo ông, cách pha cà phê phin thế nào để ngon. Tương tự, cà phê hòa tan thưởng thức thế nào để chất. Ông nhận xét thế nào về gu thưởng thức cà phê của người Việt chúng tôi. (Hải Nguyên, 34 tuổi, Hà Nội)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Chào Nguyên,
Để có một ly cà phê ngon, nước nóng vừa đủ, không quá nóng, cũng không quá nguội và ly đã được trán một ít nước sôi trước khi pha. Cà phê rang xay phải mới nhất, tươi nhất, đạt chuẩn. Cà phê ngon nhất là ở nước cốt đầu tiên.
Cách pha chế cà phê phải đậm đặc, có vị hơi đắng mới ngon. Chính vị đắng này cũng giúp cho bạn có thể tiêu hóa tốt, vị đậm của cà phê sẽ lưu lại hương vị nồng nàn trong miệng.
Cà phê hòa tan thì tôi không uống nhiều, nhưng tôi nghĩ hương vị càng giống cà phê pha phin thì càng "chất".
Bếp trưởng Didier Corlou. |
- Theo đạo diễn Lê Hoàng thì như thế nào là gu cà phê của người Việt? Em cũng là dân uống cà phê lâu năm nên cũng tò mò là mình đã thưởng thức đúng cách chưa? (Trương Trần Anh Vũ, 31 tuổi, Quận 8, Hồ Chí Minh)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Theo tôi thì mới chỉ có cà phê thương hiệu Việt. Còn cách uống thì chúng ta đang xây dựng, chứ chưa thể định hình một cách chắc chắn, mặc dù cà phê hòa tan đang thắng thế.
Cách uống cà phê suy cho cùng sẽ do cách sống quyết định. Mà cách sống hiện nay thì rõ ràng ngày một nhanh. Bạn có nghĩ vậy không?
- Tôi thấy tại sao phải nói uống cà phê phin là có tinh thần dân tộc. Đây là thời đại công nghiệp, thời gian tính bằng tiền, do đó, cái nào nhanh và tiện thì thưởng thức thôi. Đồng ý là cà phê hòa tan không ngon bằng, nhưng nó vẫn cho người uống một thứ thức uống quyến rũ và cảm giác thư giãn. Trong khi bỏ thời gian ngồi chờ ly cà phê phin nhỏ xuống thì làm việc khác hay hơn. Ý kiến của đạo diễn Lê Hoàng như thế nào? (Ngô Mạnh Hòa, 33 tuổi, Nha Trang)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Tôi có thấy ai nói như vậy đâu. Tinh thần dân tộc của chúng ta chắc chắn phải biểu hiện ở những khía cạnh cao quý hơn nhiều chứ. Ví dụ như nói đến nước Pháp là nói đến rượu vang, nhưng đâu có người Pháp nào bảo tinh thần dân tộc của họ thể hiện ở cách uống rượu.
- Chào nhạc sĩ Quốc Trung, Nhạc sĩ cho rằng bên tách cà phê phin, chúng ta sẽ bật ra được nhiều điều hay ho, tốt đẹp và tích cực trong cuộc sống bận rộn và gấp gáp này. Nhạc sĩ đã từng tìm được cảm hứng, ý tưởng đáng nhớ nào cho dự án mới bên tách cà phê phin như thế chưa? Cảm ơn nhạc sĩ. (Chích Bông, 26 tuổi, Quận 3, TP HCM)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Tôi thường cố gắng dậy sớm và ngồi thưởng thức một cốc cà phê đầu tiên trước khi bắt đầu một ngày bận rộn và gấp gáp. Trong suốt thời gian làm việc thường là từ 12 đến 14 giờ một ngày, xen kẽ là 4 đến 5 cốc cà phê. Có thể nói, hương vị cà phê nằm trong mọi ý tưởng và các dự án âm nhạc của tôi. Phải thú nhận là tôi không thể sống thiếu cà phê và càng không thể sáng tạo nếu không có cà phê.
- Tôi chưa thấy một dân tộc nào nổi tiếng về cách uống một thứ nước nào đấy, đạo diễn Lê Hoàng nghĩ gì về trà đạo? (thanggiong, 45 tuổi, Binh Duong)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Xin chia sẻ thật với bạn, cá nhân tôi đã đi Nhật 5 lần. Gần như tất cả những người Nhật mà tôi hỏi về trà đạo đều phá ra cười. Bởi vì bản thân họ hầu như không uống trà như thế trong cuộc sống thực hàng ngày, cũng như hầu như không mặc áo kimono mỗi ngày, thậm chí còn không biết cách mặc nó. Trà đạo chỉ là thứ người ngoài nhìn vào nước Nhật, chứ chính người Nhật gần như không thưởng thức theo kiểu đấy. Đó là chưa kể ngay ở Nhật Bản, trà đạo có rất nhiều phong cách và được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
Đạo diễn Lê Hoàng. |
- Tôi muốn hỏi ông Corlou là ông thích uống cà phê nóng như ở Hà Nội hay cà phê đá của người Sài Gòn? (Bùi Quốc Liêm, Quận Gò Vấp)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Chào Liêm,
Tôi thích uống cả hai tùy vào không gian và thời tiết nữa. Mỗi vùng miền đều có nét đẹp văn hóa cà phê riêng. Những ngày đông Hà Nội được uống một ly cà phê nâu nóng tự nhiên sẽ thấy ấm lòng. Sài Gòn nắng ấm quanh năm, một ly cà phê sữa đá mát lạnh thì tuyệt vời còn gì bằng.
- Anh Dũng ơi. Anh là một người mê cà phê, vậy thì anh có ý kiến thế nào khi anh Lê Hoàng cho rằng cà phê phin đã cổ hủ và chỉ phù hợp với những sự trầm tư, cà phê hòa tan thì phù hợp hơn với lối sống bây giờ? (Nguyễn Thị Linh, Biên Hòa)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Tôi yêu cà phê phin, mà đã là yêu thì không cần xét nét xem là cổ hủ hay không cổ hủ. Với tôi, cà phê không phải là lối sống, nên tôi không quan tâm nó nhanh hay nó chậm. Với tôi, uống cà phê là những giây phút riêng tư để thưởng thức hương vị mình yêu thích trước khi bắt đầu một ngày mới bận rộn.
Anh Hoàng nói gì thì kệ anh ấy. Tôi yêu thì tôi cứ yêu thôi.
Thưởng thức cà phê theo cách của PGS.TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái
- Tôi thấy cà phê phin hay cà phê hòa tan không quan trọng, điều quan trọng ở đây là không gian và thời gian thưởng thức có phù hợp hay không. Nếu trong quán có nhạc hay, phong cảnh đẹp thì nhất thiết phải là ly cà phê phin mới đúng nghĩa thưởng thức. Còn ở văn phòng, nơi để làm việc thì cà phê hòa tan là lựa chọn tốt, không tốn nhiều thời gian nhưng vẫn có thể thưởng thức thứ thức uống yêu thích mặc dù có thể không bằng cà phê phin. Nhưng đang lúc làm việc thì như vậy là quá tốt rồi. Đạo diễn Lê Hoàng nghĩ sao ạ? (Nguyễn Ngọc Duy Phú, 35 tuổi, quận 10, TP HCM)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Bạn nói cũng đúng. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi rất ít gặp người thích uống cả 2 loại cà phê này. Thường người ta uống loại nào thì hay uống loại đó trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, tôi chỉ thấy những người bên cà phê phin "phản bội" sang phía hòa tan chứ chưa bao giờ thấy ngược lại.
- Anh Quốc Trung có phải người ghiền cà phê không? Anh uống bao nhiêu cốc cà phê một ngày? Cà phê có phải một tác nhân giúp các sáng tác của anh thăng hoa hơn không? Anh có định tạo ra một tác phẩm nhằm tôn vinh hương vị cà phê độc đáo của Việt Nam không? (Tuấn Anh, 29 tuổi, Hà Nội)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Tôi uống khoảng 5-6 cốc một ngày thì đã gọi là nghiền chưa theo bạn? Cà phê giúp tôi tỉnh táo để làm việc, tuy nhiên tôi là một người sáng tác ít dựa vào cảm hứng nên càng không phụ thuộc bất kỳ đồ uống nào. Tôi đã đi và rất yêu thích cao nguyên, nơi có thể gọi là miền đất của cà phê tuy nhiên thì chưa có được sáng tác nào về nơi đó. Hy vọng là trong tương lai, sẽ có những bài hát về cao nguyên và cà phê của Việt Nam.
Nhạc sĩ Quốc Trung. |
- Chào chú Didier Corlou. Cháu nghĩ giới trẻ không bỏ cà phê phin đâu, chỉ là có một số trường hợp không dùng cà phê phin được, ví dụ như đang đi làm thì cà phê hòa tan tiện lợi và nhanh chóng hơn. Còn cà phê phin là những khi cuối tuần, tụ tập bạn bè có thời gian nhìn thời gian trôi thì ly cà phê phin mới thực sự đem lại hết giá trị của nó. (Tô Mạnh Tường, 25 tuổi, Nha Trang)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Tôi đồng ý với bạn, uống cà phê tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người và còn tùy thuộc vào tình huống nữa. Thế nhưng, dù làm việc văn phòng đòi hỏi nhanh chóng, tiện lợi phải uống cà phê hòa tan, vẫn phải chọn những sản phẩm có hương vị đậm đà gần giống cà phê phin. Cà phê loãng và nhạt uống vào thì chán lắm.
- Xin được đặt câu hỏi cho Giáo sư Xoay. Tôi thấy không chỉ giới trẻ mà hiện nay rất nhiều người đang uống cà phê hòa tan vì sự tiện lợi của nó. Có phải vì chất lượng cà phê hòa tan không quá khác biệt so với cà phê phin nên mọi người có thể dễ dàng… tìm sự thay thế? (Phạm Hạnh, 40 tuổi, quận 12, TP HCM)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào chị,
Tôi là "fan" của cà phê phin bởi yêu hương vị và độ đậm đà của nó, tôi chưa tìm được điều này ở những ly cà phê hòa tan, nên dù có vội, tôi cũng không thể quen được. Nhưng nếu giả sử, có một loại cà phê hòa tan nào đó mà có hương vị của cà phê phin thì tuyệt vời quá, tôi sẽ thử ngay xem sao.
- Cà phê Việt Nam hiện giờ được chuẩn hóa theo khẩu vị người Việt. Đó là đậm đà, sóng sánh hương khi uống đá. Ai cũng biết để làm được ly cà phê như vậy mà giữ nó "nguyên chất" là Mission Impossible - nhiệm vụ bất khả thi. Các khách mời có cao kiến nào để uống cà phê một cách nguyên chất nhất? (Trần Đại Nam, 28 tuổi)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Bạn hãy vừa uống vừa mở bài hát Ly cà phê Ban Mê hình như của nhạc sĩ Nguyễn Cường thì phải. Nếu do Siu Black hát nữa thì càng tốt. Cách thứ 2 là bạn biến thành Tom Cruise nhé.
- Xin chào anh Lê Hoàng. Tôi sống ở Mỹ nhiều năm nhưng chưa thấy ai uống cà phê hoà tan cả. Nhà nào cũng có máy pha cà phê có chế độ hẹn giờ hoặc mua cà phê "to go" thôi. Anh thấy sao ạ? (Hồ Lương Trí, 39 tuổi)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Điều ấy chứng tỏ rằng nước Mỹ quá rộng lớn. Máy pha cà phê ở Mỹ rất hiện đại và rẻ. Người Mỹ chưa biết được sự tinh túy của cà phê hòa tan của Việt Nam.
- Thưa anh Lê Hoàng, dường như văn hóa uống cà phê đang dần "hòa tan" theo xu thế Tây hơn khi càng ngày càng có nhiều nhãn hàng, cửa hàng cà phê nước ngoài mở tại Việt Nam. Anh cho rằng điều này mang những mặt tốt và mặt chưa tốt nào đến văn hóa Việt nói chung? (Minh Nguyệt, Quảng Nam)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Mặt tốt là chúng ta hội nhập với toàn cầu. Mặt không tốt là chúng ta có thể hòa tan.
Đạo diễn Lê Hoàng. |
- Chào nhạc sĩ Quốc Trung, tôi là người con của đất Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của cả nước. Nhạc sĩ "bênh vực" văn hóa cà phê phin như thế, quả thật, tôi nghe thấy rất sướng. Vì tôi cũng uống nhiều và cũng hiểu chẳng thứ cà phê nào sánh được với cà phê phin. Dù mang tiếng là phin thì cũng có ly ngon ly chưa ngon.
Cho tôi hỏi một câu hỏi ngắn, theo nhạc sĩ, điểm gì trong hương vị sẽ làm nên một ly cà phê phin ngon "nhức nhối" tức là uống để mà sau này không thể nào quên được hương vị ấy nữa. Chúc sức khỏe nhạc sĩ và mong nhạc sĩ sẽ lại làm được nhiều đêm nhạc chất lượng như Dòng thời gian. (Nguyễn Đăng Quang, 32 tuổi, TP HCM)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Cảm ơn anh! Tôi từng biểu diễn ở Đắk Lắk từ khi còn là sinh viên và được thưởng thức những ly cà phê thơm lừng ở đó. Một ly cà phê ngon là phải có hương thơm khi được pha phin và có vị đắng ngọt khi uống dù không cần thêm đường hay sữa.
- Chào anh Dũng, cà phê hòa tan cũng là một nét văn hóa của phương Tây. Xã hội ta hiện lại đang khuyến khích sự hội nhập. Vậy việc uống cà phê hòa tan cũng phần nào thể hiện sự hội nhập của giới trẻ? Em thấy đa phần giới trẻ họ uống cà phê chủ yếu để thể hiện mình sành điệu. (Ngọc Vy, 30 tuổi, TP HCM - Việt Nam)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Nghĩ như vậy liệu có khắt khe quá không bạn ơi? Bạn bảo các bạn trẻ uống cà phê chủ yếu để thể hiện mình sành điệu thì khác nào anh Lê Hoàng bảo uống cà phê phin là cổ hủ.
Tôi cho rằng sự hội nhập không đơn giản chỉ bằng cách uống cà phê hòa tan, nó còn phải bao gồm nhiều điều khác nữa.
Có người uống cà phê vì mê hương vị của cà phê, có người uống cà phê vì mê khung cảnh của quán, có người uống lại vì những người bạn uống cùng... Nên sự "sành điệu" hay không chỉ là cách nhìn và cách nghĩ riêng của mỗi người.
- Em xin phép đề xuất câu hỏi. Hiện nay, gu cà phê của người Việt Nam khác gì với gu cà phê ở nơi khác mà các anh biết. Theo các anh, gu nào sẽ có lợi cho cà phê Việt Nam và nên thưởng thức như thế nào mới đúng ạ? (Nguyễn Đắc Lâm, 33 tuổi, Hà Đông, Hà Nội)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Gu chế biến cà phê thì Hoàng không biết nhưng gu uống của chúng ta thì rất khác thường. Ví dụ như người Việt Nam uống cà phê vỉa hè vô địch thế giới. Không thành phố nào nhiều quán cà phê lề đường như ở Sài Gòn, Hà Nội. Chính sự linh động và bình dân này sẽ quyết định cách uống và cách pha chế của cà phê Việt.
- Anh Quốc Trung thân mến. Với cà phê, anh uống như một thói quen để tỉnh táo làm việc hay sẽ thưởng thức theo kiểu như trong ngày ít có được mấy phút thư thái như thế nhỉ? Vì tôi thấy thật ra mọi người giờ uống cà phê là để tỉnh táo làm việc anh ạ. Cứ tí ta tí tách cà phê phin thì lỡ biết bao nhiêu việc. (Hoài An, 43 tuổi, Quy Nhơn, Bình Định)
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Thời buổi bây giờ nhiều người còn bảo không có thời gian để yêu nói gì đến uống cà phê? Thực ra là họ không biết yêu hoặc không yêu đủ. Tất nhiên đa phần là cần sự tỉnh táo. Nhưng một ngày cũng nên dành ra 15 phút vào buổi sáng để thưởng thức hương thơm cà phê trong không khí trong lành. Nó cũng giúp ta có thêm năng lượng để chạy đua với các "hương vị" khác. Mọi người thường hay sợ bỏ lỡ việc này hay việc kia nên cứ cố gắng chạy thật nhanh, cuối cùng vì cái sự vội vàng đó mới chính là nguyên nhân người ta bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống. Cũng như cà phê, muốn cuộc sống có những hương vị đậm đặc thì hãy kiên nhẫn chờ những giọt tí tách. Nó sẽ giúp ta chắt lọc được những điều quý giá trong cuộc sống.
- Chào nhạc sĩ Quốc Trung, đạo diễn Lê Hoàng, anh định nghĩa như thế nào khái niệm "văn hóa cà phê Việt"? (Thanh Phương, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Câu hỏi này quá lớn đối với tôi. Tuy nhiên, tôi nghĩ văn hóa là thứ không bất biến. Nó thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Văn hóa cà phê hôm nay sẽ khác với 10 năm trước và chắc chắn cũng không giống với 10 năm sau.
- Nhạc sĩ Quốc Trung:
Văn hóa cà phê Việt luôn đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nó không tốn nhiều tiền nhưng lại rất tốn thời gian. Trước kia người chờ đợi hàng giờ để có được một phin cà phê thơm ngon, còn ngày nay người ta cũng tốn hàng giờ bên một cốc cà phê mà thật sự không có mùi vị.
- Theo ông Corlou, cách uống cà phê phin chầm chậm thong thả có phản ánh được lối sống của người Việt, chưa đủ nhanh và hợp thời để bắt kịp xu hướng như các nước tiên tiến? (Dương Minh Cao, 34 tuổi, Nhà Bè)
- Bếp trưởng Didier Corlou:
Chào bạn,
Ở các nước tiên tiến nhịp độ sống quá nhanh, ăn uống cũng chỉ toàn là fastfood. Mọi thứ nhanh quá lại mất đi tinh túy. Cũng giống như tách cà phê Việt tuy chậm nhưng đậm đà và chứa đựng nét đẹp văn hóa rất riêng, không nên thay đổi.
Bếp trưởng Didier Corlou |
- Biết đến anh Lê Hoàng với hình ảnh một người "khó tính", vậy khi tìm đến cà phê anh có "khó" như vậy không? (Thanh Ngân, 30 tuổi, Bà Rịa)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Hoàn toàn không bạn ạ. Nếu ngồi với một cô Hoa hậu thì tôi có thể uống bất kỳ thức uống gì cũng cảm thấy ngon cả.
- Theo anh Lê Hoàng, thưởng thức cà phê cần phải có phong cách hay không? Anh có phong cách riêng khi uống cà phê không? (Kim Thoa, TP Vinh)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Thật ra uống cà phê hay bất kỳ thức uống nào cũng cần có phong cách. Tuy nhiên, phong cách không phải là thứ để khoe ra. Tôi biết rất nhiều bạn hôm nay ngồi trong quán cà phê không hề quan tâm đến mình đang uống gì mà quan tâm xem ai đang nhìn mình.
- "Giáo sư Xoay" cho tôi hỏi có hơi quá không khi nói cà phê phin là tinh hoa của văn hóa cà phê Việt Nam? Theo tôi đó chỉ là một phần nhỏ, rất nhỏ trong văn hóa ẩm thực phong phú của người Việt. (Phước Kiên, 35 tuổi, Quận 11)
- Ông Đinh Tiến Dũng:
Chào bạn,
Văn hóa ẩm thực của nước ta đúng là vô cùng phong phú, thật khó để chọn ra đâu là tinh hoa bởi mỗi người đều có cách đánh giá riêng của mình.
Tôi nghĩ rằng khi đi đâu đó xa quê hương, thì những món đồ ăn thức uống nào mình thấy nhớ da diết nhất thì đó chính là "tinh hoa" ẩm thực Việt của bản thân mình. Và với tôi thì đó là hương vị cà phê phin, với người khác có thể là phở, có thể là mắm tôm...
- Thưa các anh, cuộc phỏng vấn của chúng ta có chủ đề là "Gu thưởng thức cà phê của người Việt". Vây, gu của người Việt thế nào, thể hiện điều gì, văn hóa thưởng thức cà phê ở 3 miền Bắc Trung Nam khác nhau ra sao về vị, phương thức pha chế và gu thưởng thức. Xin cảm ơn và mong được trả lời. (Hạ Trang, 23 tuổi, Hà Nội)
- Đạo diễn Lê Hoàng:
Để trả lời câu hỏi của bạn, tôi nghĩ phải làm một luận văn. Riêng tôi nghĩ rằng văn hóa cà phê nằm trong cái nền văn hóa khác của một con người. Tuy nhiên, khi đi xa, nhớ về một vùng đất, tôi luôn nhớ ở đó mình uống cà phê với ai, hương vị thế nào và cảm xúc ra sao. Còn với riêng mình, tôi vẫn chọn cà phê hòa tan do bạn gái mua.
- Ông Đinh Tiến Dũng: Người Việt luôn có thói quen uống cà phê với hương vị hết sức đậm đà, thậm chí đậm đà hơn hương vị của cà phê ở các nước khác rất nhiều. Tôi không biết đó có phải là gu uống cà phê của người Việt hay không.
Với mỗi người uống cà phê, tôi tin rằng chúng ta đều tự tìm cho mình một gu thưởng thức riêng. Bản thân tôi, một người sống ở miền Bắc nên luôn yêu thích một ly “nâu nóng” hoặc “đen nóng”, đặc biệt là khi trời chuyển sang thu hoặc những ngày đông lạnh giá.
- Nhạc sĩ Quốc Trung: Văn hóa cà phê Việt đòi hỏi sự kiên nhẫn và cảm nhận tinh tế về hương vị. Nó không tốn nhiều tiền nhưng tốn thời gian và sự trung thành về vị giác. Trước kia, người ta chờ đợi hàng giờ để có một phin cà phê thơm ngon. Còn ngày nay, người ta cũng tốn hàng giờ bên một cốc cà phê hòa tan mà không rõ mùi vị. Làm sao bảo tồn và giữ gìn được vị cà phê thuần khiết đấy là một câu hỏi lớn. Tôi cũng đang muốn đi tìm lời giải.
- Bếp trưởng Didier Corlou: Chắc chắn rằng các khách mời người Việt hôm nay hiểu rõ nhất về gu thưởng thức cà phê Việt Nam. Bản thân tôi, một người nước ngoài được các bạn ưu ái đặt cho biệt danh “ông Tây gia vị” càng khiến tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt, đặc biệt là ẩm thực Việt, trong đó có cà phê.
Như tôi vừa trả lời, ở mỗi vùng miền, chắc chắn các bạn có những cách thưởng thức cà phê khác nhau. Người Sài Gòn thích cà phê sữa đá, người Hà Nội thích cà phê nâu hay nâu đá. Với tôi, sống là trải nghiệm. Đến mỗi vùng miền nào tôi cũng thích ăn những thức ăn địa phương và uống những thức uống địa phương. Với riêng cà phê, dù cà phê sữa đá hay cà phê nâu thì ly cà phê ngon nhất tôi uống phải là ly cà phê được pha phin có màu sánh đậm, hương vị đậm đà và mùi thơm nồng nàn.
VnExpress