Từ cà phê cóc, sân vườn đến cà phê sạch.

Cập nhật lúc: 15:50 12/04/2017

Nhiều dân ghiền cà phê sáng từ lục tỉnh và các địa phương khác vô Sài Gòn phải mất một khoảng thời gian mới định hình được tầng mức của thú uống cà phê Sài Gòn. Ngồi cà phê quán cóc hay vô cà phê tiệm nước, lên cà phê cư xá hoặc tới cà phê nhà hàng.

Cà phê quán cóc


Từ xưa, mỗi đầu hẻm của đô thị Sài Gòn đều có ít nhất một quán mang tên cà phê cóc. Từ “cóc” được giới bình dân mặc nhiên xếp vào ngôn ngữ đường phố, dù có thể do nguyên cớ nào đó.


Sau năm 1975, khi thời bao cấp xếp cà phê hột là dạng nông sản tư nhân không được phép kinh doanh, chính các nguồn cà phê lậu ít ỏi cộng với bắp rang, đậu nành, cau ăn trầu, nước mắm... đã tạo nên công thức pha chế cà phê "có một không hai trên thế giới", đưa cà phê quán cóc rẻ tiền lên ngôi bá chủ. 

Thời đó, những ai tuổi trẻ đầu xanh tập tành ghiền cà phê phần nhiều là “ực” loại cà phê quán cóc. Thứ cà phê chế biến trời ơi đất hỡi này nếu càng đắng, càng kẹo... thì được xếp vào loại ngon ghiền chết bỏ.

Đến tận hôm nay, nhiều bậc trung niên khả kính vẫn không hiểu cớ chi có thời mình lại ghiền mê mệt thứ cà phê đen như nước cống đó. Suy cho cùng thì lỗi pha chế cà phê "trời ơi" đâu phải do quán cóc. Nguồn cà phê đắt hiếm, giá tiền ly cà phê thiệt bèo lại muốn thưởng thức cà phê thứ thiệt, đành trông cậy khả năng hồi tưởng hương vị cà phê Sài Gòn xưa mà thôi.

Nhưng quán cóc Sài Gòn đâu chỉ là một loại hình kinh doanh cà phê đơn thuần. Quán cóc Sài Gòn trước đây và hôm nay vẫn cứ là nơi duy nhất mà người bình dân Sài Gòn mượn ly cà phê để bước vào một ngày lao động với nhiều tầng thông tin xã hội, nhiều cung bậc cảm xúc về giá trị sống, nhiều lý trí công chính về đạo đức và lương tâm làm người...

Có so sánh không hề khiêng cưỡng chút nào rằng: Quan thì họp ở cung đình, công sở, còn dân thì sáng sáng ra quán cà phê cóc bàn tính chuyện ký thịt, nồi cơm cho đến nguy cơ thế chiến thứ 3.

Cà phê sân vườn thời "nhan sắc" tàn phai


Với những ai có đời sống cần kiệm và những ai mới nhập cư từ các tỉnh, sẽ lấy làm kỳ trước sự phức tạp của cái gọi là “ngon” theo người Sài Gòn. Cà phê ngon không chưa đủ, phải ly tách đúng kiểu, ghế bàn lịch sự, người phục vụ đàng hoàng, nhạc hay, cảnh trí đẹp, không gian thoáng, mát bằng máy lạnh.... Vậy thì cầm điện thoại lên, hẹn nhau vô cà phê sân vườn.


Khi hột cà phê từ miền Đông và Tây Nguyên thoát nạn ngăn sông cấm chợ thì cùng lúc đời sống người Sài Gòn khấm khá hơn; tất nhiên ai cũng muốn đòi cho mình lại cái quyền uống cà phê ngon.

Theo nhiều dân ghiền cà phê thì hình thức cà phê sân vườn có nguồn gốc từ cà phê cư xá mà ra. Phải thôi, dân trung lưu Sài Gòn xưa thường ở trong những cư xá nền nếp và sang trọng. Đường cư xá vắng thoáng, nhà cư xá nào cũng rợp bóng cây xanh, sân vườn, hoa kiểng... là nơi lý tưởng để mở cà phê sân vườn.

Quan trọng nhất là phải câu được thú ghiền cà phê của người trẻ bình dân, những cặp tình nhân khởi nghiệp... muốn ngồi cà phê sân vườn để ngắm vẻ đẹp, nuôi ước mơ mức sống Sài Gòn trung lưu.

Từ cà phê sân vườn bình thường đến cực điểm sân vườn villa, biệt thự, số tiền đầu tư mở quán tiền tỉ nhưng chất lượng cà phê thì than ôi, nếu uống được ly cà phê pha huề 50/50 giữa đậu nành và cà phê là mừng húm, không phải than khóc cho nỗi đau túi tiền lúc bắt nó phải học làm sang.

Cà phê sân vườn thi nhau mọc lên như nấm sau mưa, cư xá hết yên tĩnh, villa, biệt thự ì xèo tiếng ồn của các dàn âm thanh chất lượng tối ưu. Nhưng cách nay chưa đến đôi năm, dân trung lưu Sài Gòn thấy chán "cô nàng cà phê sân vườn" dù nhan sắc vườn sang, vườn đẹp, vườn hiện đại hay vườn cổ điển... vẫn cứ xinh tươi.

Hỏi ra mới biết cơ sự chán chường này đâu phải do kinh tế eo hẹp mà tiếc tiền tô điểm cho cái phí hụi chết ngồi cà phê sân vườn. Người ta đơn giản chỉ là thèm ly cà phê thiệt, cà phê sạch nhằm thoát khỏi nỗi ám ảnh cà phê giả, cà phê lai mà thôi.

Hy vọng cà phê sạch từ quán bàn ghế lùn


Tốc độ phát triển của loại hình cà phê này đúng là như tàu siêu tốc. Với bàn ghế bằng loại gỗ thông rẻ tiền, khỏi phải sơn phết cầu kỳ, diện tích quán không cần rộng, trang trí không cần cầu kỳ, không nhạc cũng ok, không bạn ngồi một mình cũng ok luôn, chỉ cần cà phê sạch và wifi, lướt màn hình các loại smartphone để giao lưu với đời...


Vậy rồi cà phê bàn ghế lùn, bàn ghế gỗ tạp trưng biển “cà phê sạch”, “cà phê nguyên chất”, “cà phê rang xay tại chỗ” ra đời, loại quán này đâu chỉ là kế thừa truyền thống cà phê quán cóc mà đôi khi mang hình ảnh hiện đại với cà phê to-go, cà phê take away... phù hợp với nhịp sống nhanh của người đô thị thời hội nhập thế giới.

Chưa thể biết cà phê tuyên bố là “sạch” này tồn tại bao lâu hay chỉ là phong trào nhất thời. Nhưng nếu những người chủ của các quán loại này giữ được chữ tín của họ về chuyện phục vụ cà phê sạch thì tuổi thọ coi như được người Sài Gòn bảo hiểm. Mức giá trung bình cộng cà phê sạch là công thức không chỉ cho người Sài Gòn hôm nay mà còn dài dài tới tương lai.

Công thức đó còn là một môi trường để hình thành những giá trị văn minh qua thói quen uống cà phê của người Sài Gòn thế hệ mới. Có thể còn quá sớm để nói về loại hình cà phê văn minh, nhưng việc không phụ lòng tin của khách ghiền cà phê như hiện nay, không đủ là tiền đề văn minh cà phê sao?

Người Sài Gòn hôm nay có thể đang hy vọng những quán cà phê ghế lùn sẽ mở lại ký ức và định hình những giá trị mới về cái thú uống cà phê, để vẫn chào đón bình minh Sài Gòn trong một không gian ngát hương cà phê sạch.

Trần Tiến Dũng